Hoa họ cúc là một loại hoa đẹp với nhiều màu sắc khác nhau. Đối với các nước trên thế giới cũng như Việt Nam thì hoa cúc luôn là loại hoa được lựa chọn nhiều. Vào ngày tết, mọi người cũng ưu tiên lựa chọn những chậu hoa cúc lớn để chưng trước cửa nhà. Thế nhưng để có những chậu hoa đẹp như vậy thì người trồng cũng mất khá nhiều công sức. Bởi hoa cúc cũng là đối tượng bị phá hoại bởi sâu bệnh. Trong đó, căn bệnh thán thư lại hoành hành nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Bệnh thán thư là gì?
Bệnh thán thư là bệnh hại trên cây trồng. Có thể gây hại trên các bộ phận từ lá, cành, chồi non, quả non. Bệnh được gây ra bởi tác nhân Colletotrichum gloeosporioides và Cephaleures virescens.
Trên bộ phận bị bệnh của cây xuất hiện các vết đốm lớn màu nâu xẫm, có viền nâu đỏ. Vết đốm sẽ lan rộng và có thể tạo ra vết hoại tử. Đối với các vết bệnh trên lá, khi nhìn mặt dưới có thể thấy xuất hiện lấm tấm bào tử màu đen, nhìn rõ được trên kính lúp.
Bệnh thường lây truyền nhờ nước hoặc gió. Xuất hiện vào mùa mưa ẩm hoặc do tưới ẩm nhiều lên bề mặt lá một cách không kiểm soát.
Triệu chứng bệnh thán thư trên hoa cúc
Lá hoa cúc là địa điểm bệnh phát tác nhiều nhất. Lúc đầu là một điểm nhỏ màu nâu vàng hoặc màu nâu nhạt. sau đó vết bệnh to dần kích trước trung bình 2-5mm. Có viền gờ lồi lên màu nâu, ở giữa màu nâu xám.
Bệnh nặng nhiều vết có thể liên kết nhau thành đốm lớn dạng hình bất định. Có màu nâu hoặc nâu đen. Bệnh thường lan dần từ các lá già dưới gốc lên ngọn. Trên mô bệnh đã già thường xuất hiện nhiều chấm nhỏ màu đen. Đó được gọi là đĩa cành của nấm bệnh.
Tác nhân gây bệnh
Bệnh thán thư do nấm gây bệnh sinh sản vô tính. Hình thành các đĩa cành hình đĩa vũm hơi lỏm trên các mô bệnh đã già. Trên đĩa cành hình thành nhiều cành bào tử phân sinh ngắn không phân nhánh. Xen kẽ các lông gai cứng có từ 1-2 vách ngăn, kích thước 47-48×5-7mm.
Nhiệt độ thích hợp nảy mầm của bào tử là 25-28oC. Trong điều kiện có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp (giọt nước, giọt sương) sau 48h bào tử đã nảy mầm hình thành giác bám hình quả đấm màu nâu sẫm. Bào tử nấm dễ dàng lan truyền nhờ gió, nước mưa. Thông qua các vết thương cơ giới và các lỗ hở tự nhiên. Thậm chí xâm nhập trực tiếp qua biểu bì của lá.
Các giống cúc thường nhiễm bệnh: Cúc vàng chanh Đà Lạt, cúc vàng Đài Loan và các giống vàng xanh Singapore….Bệnh thường xuất hiện gây hại từ tháng 2 đến tháng 5. Nhưng hoành hành mạnh nhất vào tháng 3 tháng 4.
Biện pháp phòng trừ
Chọn giống và sử dụng giống chống chịu bệnh. Chọn địa thế đất trồng cao ráo, tiêu thoát nước tốt. Mật độ trồng vừa phải, không trồng quá dày. Cần chú ý khâu chăm sóc, bón phân NPK cân đối đặc biệt phải bón lót bằng phân chuồng ủ hoai mục.
Trong quá trình chăm sóc cần diệt sạch cỏ dại, tránh tạo vết thương cơ giới cho cây. Bên cạnh đó cần thực hiện trồng luân canh cúc với cây trồng khác họ.
Nguồn: huucomientrung.com.vn