Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính AHPNS / AHPND (hội chứng tôm chết sớm EMS) là một bệnh thường gặp ở tôm. Nó thường hay xảy ra trên tôm sú (Penaeus monodon) và tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei). Đây chính là một trong nhiều nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt. Khi mắc phải bệnh này nếu không có phương pháp điều trị kịp thời thì thiệt hại về kinh tế sẽ rất lớn. Nhiều gia đình nuôi tôm vì thiếu hiểu biết mà dẫn tới thiệt hại nặng nề. Để không rơi vào tình trạng đó hãy tham khảo ngay bài viết này.
Nguyên nhân khiến tôm nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp tính
Bạn có thắc mắc rằng tôm dễ mắc loại bệnh này ở thời điểm nào trong chu kỳ lớn? Đâu là nguyên nhân khiến cho tôm mắc phải bệnh này?
Câu trả lời chính là tôm có thể bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy trong suốt quá trình nuôi. Thường sẽ tập trung nhiều ở giai đoạn tôm nhỏ đến 45 ngày tuổi. Đây chính là nguyên nhân gây chết hàng loạt nhanh chóng.
Bệnh do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus tạo ra một độc tố mạnh làm phá hủy nhanh mô và làm rối loạn chức năng gan tụy trong hệ thống tiêu hóa của tôm. Đây là nguyên nhân làm tôm chết sớm trong vòng 30 ngày đầu tiên sau khi thả. Tỷ lệ tôm chết có thể lên tới trên 70%.
Ban đầu, triệu chứng của bệnh không rõ ràng. Tôm sẽ chậm lớn, lờ đờ, bỏ ăn, tấp mé và rớt đáy. Sau đó tôm bệnh bị mềm vỏ, màu sắc tôm thay đổi, gan tụy mềm nhũn, teo lại hoặc sưng to. Cuối cùng dẫn tới tình trạng chết hàng loạt.
Các biện pháp phòng chống tôm chết sớm
Để tránh cho đầm tôm nhà mình rơi vào tình trạng này. Cũng như phòng chống bệnh dịch, bạn cần áp dụng các biện pháp tổng hợp sau:
– Chọn tôm bố mẹ sạch bệnh. Đây là điểm đầu tiên để ngăn cản quá trình lây nhiễm bệnh từ tôm bố mẹ sang tôm con.
– Đảm bảo tôm và môi trường, nguồn nước, dụng cụ, thiết bị trong trại giống phải sạch khuẩn.
– Sốc Formol 100 – 200ppm, trong 30 giây đến 1 phút, để chọn post khỏe, không nhiễm bệnh. Loại bỏ bớt những con mang mầm bệnh, trước khi thả giống.
– Chuẩn bị và sát trùng ao cẩn thận trước khi thả nuôi. Sên vét đáy ao, phơi nắng đáy ao (nếu có thể), sát trùng đáy ao. Xử lý diệt khuẩn nước vào thật cẩn thận.
– Không thả nuôi tôm mật độ quá cao. Có thể ghép nuôi cùng cá rô phi (nuôi nước xanh).
– Sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng. Thức ăn không nhiễm nấm, cho ăn bổ sung vitamin C, A, E, và glucan.
– Quản lý môi trường ao nuôi tốt và ổn định bằng sản phẩm men vi sinh.
– Hạn chế dùng các hóa chất, kháng sinh.
– Loại bỏ các chất gây độc cho gan tụy tôm như các ion kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật… có trong nước.
– Khi xảy ra bệnh, đối với tôm nhỏ, trước khi xả bỏ, phải dùng thuốc diệt khuẩn (chlorine, formol) để khử trùng, hạn chế lây nhiễm.
– Trong quá trình thu tôm, phải xử lý nước bằng thuốc diệt khuẩn (chlorine, formol) trước khi xả ra ngoài, hạn chế lây nhiễm.
Trên đây là các phương pháp có thể giúp bạn phòng tránh cũng như hạn chế tình trạng lây lan của bệnh này.
Xem thêm các bài viết khác tại đây.
Nguồn: Vietlinh.vn