Tại Việt Nam, điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái hoàn toàn phù hợp nuôi cá giò. Phát triển việc nuôi cá giò có thể thu được lợi nhuận cao so với các loài thủy sản khác. Tuy nhiên, cho đến nay loài cá này chưa được nuôi rộng rãi. Chúng chỉ mới phổ biến ở một số tỉnh nước ta. Vì vậy, việc nghiên cứu nuôi cá giò cần được quan tâm để tránh lãng phí tài nguyên nước, cải thiện đời sống người dân vùng ven biển. Đặc biệt là kỹ thuật sản xuất cá giò cần được phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân. Dưới đây, jia sẽ chia sẻ phương pháp sản suất cá giò đạt hiệu quả cao.
Đôi nét về cá giò
Cá giò hay còn gọi là cá bớp (Cobia/Black King fish) phân bố ở vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới và vùng nước ấm của biển ôn đới. Trong tự nhiên cá giò sống ở vùng nước mặn hoặc nước lợ ven biển, rạn san hô cho đến vùng biển khơi. Cá giò thuộc loại cá dữ, ăn thịt động vật, thức ăn tự nhiên của cá gồm cua, tôm, ốc và các loại cá con. Tốc độ sinh trưởng của cá nhanh, có thể đạt cỡ 4-6 kg sau một năm nuôi. Cá giò thành thục lần đầu tiên sau 2 năm tuổi. Do cá giò có tốc độ sinh trưởng nhanh, giá thị trường khá cao nên được nuôi phổ biến ở nhiều tỉnh ven biển. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi lồng trên biển.
Tiến hành nuôi vỗ cá bố mẹ
– Địa điểm nuôi vỗ cá bố mẹ phải được đặt trong lồng nuôi nơi có ít sóng gió, dòng chảy nhẹ từ 0,2-0,5 m/s, độ mặn 25-32‰, độ trong > 2m. Kích thước lồng 3mx6mx3m hoặc 10x10x10m, kích cỡ mắt lưới thích hợp là 2a=10cm.
– Tuyển chọn cá bố mẹ: Chọn những con cá bố mẹ khỏe mạnh, trọng lượng từ 8-10 kg/con. Xác định cá đực và đánh dấu (bằng chíp điện tử). Nuôi vỗ với mật độ 5-6kg cá/1m3 lồng.
– Nuôi vỗ cá bố mẹ: Chia làm 3 thời kỳ:
Nuôi duy trì: Thời gian nuôi vỗ từ tháng 6 – 9, thức ăn là cá tạp tươi, khẩu phần cho ăn bằng 3% trọng lượng thân. Đối với cá đã nuôi vỗ từ năm trước nhưng không cho đẻ thì dùng LRHa (liều lượng 10-15mg/kg cá mẹ) tiêm để loại bỏ hết sản phẩm sinh dục cũ, thời gian tiêm từ ngày 5 – 15/7. Đối với cá mới tuyển chọn lần đầu không cần tiêm.
Nuôi vỗ tích cực: Kéo dài từ tháng 10 – 12, lượng cho ăn bằng 5% trọng lượng thân, thức ăn bổ sung một số loại cá có chất lượng cao như mực, cá nục…
Nuôi vỗ thành thục: Từ tháng 1 năm sau cho đến khi cá đẻ. Đây là thời kỳ rất quan trọng, giảm khẩu phần thức ăn xuống từ 2-2,5% trọng lượng thân. Tuy nhiên, giai đoạn này cần bổ sung khoáng, các vitamin.
Chú ý: Bổ sung thêm vào khẩu phần ăn cho cá đực từ 0,5-1mg 17-MT. Cách này làm cho cá đực trở nên thành thục hơn.
Lựa chọn giống cá và tiến hành cho cá đẻ
– Bể đẻ cho cá nên lựa chọn hình tròn để đạt hiệu quả tốt nhất. Thể tích bể từ 50-150m3, chiều cao 2,5m. Nước được cấp từ dưới đáy bể lên để nước trong bể chảy thành dòng xoáy. Mỗi bể lắp từ 6-10 vòi sục khí mạnh. Trước khi đưa cá vào bể đẻ phải cấp nước đầy.
– Chọn cá cho đẻ:
Cá cái: Dùng que thăm trứng, trứng dời nhau, hạt trứng căng, tròn đều và có đường kính 0,8-0,9mm, màng trứng rõ ràng, nhân hơi lệch về phía cực động vật là trứng tốt.
Cá đực: Vuốt nhẹ gần lỗ sinh dục thấy có sẹ màu trắng đục như sữa chảy ra, tan nhanh trong nước là cá đực tốt, đã sẵn sàng tham gia sinh sản.
– Tiêm kích dục tố (KDT): Cá đực không cần tiêm bất kỳ loại KDT nào. Cá cái tiêm 1 trong 3 loại KDT sau:
Tiêm kích dục tố LHR-a với liều lượng 10µg/kg.
Hoặc tiêm HCG với liều lượng 500IU/kg.
Hoặc tiêm kích dục tố LHRH-e với liều lượng 20µg/kg (Hoormone này có hiệu quả nhất vì hoormone này làm cho trứng thụ tinh thành công sẽ cao hơn).
Thu hoạch trứng, tách và ấp trứng cá
– Thu trứng: Cho trứng vào bể hoặc thùng ngay khi vớt lên, đựng trứng đặt trong bóng tối và có sục khí.
– Tách trứng: Đưa trứng cá vào nước có độ mặn 35-36‰, những trứng tốt sẽ trương nước, có kích thước giọt dầu lớn và nổi lên mặt nước. Những trứng chìm và ở sâu trong tầng nước là trứng xấu, phải loại bỏ. Tách trứng từ 3-4 lần, mỗi lần cách nhau 3 giờ để loại bỏ hết trứng xấu và cho vào ấp.
– Ấp trứng: Môi trường nước ấp trứng cần đảm bảo các điều kiện như độ pH từ 8-8,5; độ mặn 35-36‰; nhiệt độ nước 24-280C. Mật độ ấp từ 400-500 trứng/l, bể ấp được sục khí nhẹ và liên tục trong suốt quá trình ấp. Cấp nước có độ mặn 30-32‰ liên tục vào bể, khi trứng nở độ mặn sẽ hạ xuống còn 31-32‰ (bằng với độ mặn bể ương và thả cá mới nở vào địa điểm nuôi đã chuẩn bị).
Trên đây là phương pháp sản suất cá giò đạt hiệu quả cao. Jia hy vọng bạn sẽ áp dụng thành công phương pháp này.
Nguồn: Tepbac.com