
Cùng với lúa mì, bắp, khoai mì và khoai tây, cây lúa cũng là một loại cây lương thực quan trọng đối với con người. Cây lúa có nguồn gốc rất xa xưa tại Châu Á, Châu Phi và Mỹ La Tinh. Hiện nay, lúa là loại lương thực chính đối với phần lớn dân số trên toàn thế giới. Do xu hướng mở rộng diện tích và đẩy mạnh thâm canh tăng vụ trong thời gian dài nên dịch hại trên cây lúa ngày càng phát triển. Hơn nữa, chúng ngày càng khó kiểm soát. Một trong những dịch hại nguy hiểm nhất trên cây lúa là bệnh đạo ôn.
Tác nhân gây bệnh
Bệnh đạo ôn gây ra do nấm Pyricularia grisea Sacc. Trước kia còn gọi là Pyricularia oryzae Cav. (giai đoạn sinh sản hữu tính gọi là Magnaporthe grisea). Hơn nữa còn được ghi nhận hiện diện ở hơn 80 quốc gia trồng lúa trên thế giới. Bệnh được tìm thấy ở Ý vào năm 1560, tại Trung Quốc vào năm 1637.

Tại Việt Nam, F. Vincents phát hiện chính thức vào năm 1921 ở Miền Nam. Theo nhiều nghiên cứu thì bệnh ngày càng phát sinh thêm nhiều nòi mới. Chúng có độc tố cao nên khó phòng trị. Theo TS. Nguyễn thị Phong Lan và nhóm tác giả thì tại ĐBSCL có trên 40 nòi nấm Pyricularia gây ra bệnh đạo ôn trên cây lúa. Bệnh có thể phát triển từ thời kỳ mạ đến lúa chín và có thể gây hại ở bẹ lá, lóng thân, cổ bông, gié và hạt.
Triệu chứng bệnh đạo ôn
Vết bệnh trên mạ: lúc đầu hình bầu dục sau tạo thành hình thoi nhỏ hoặc dạng tương tự hình thoi. Có màu nâu hồng hoặc hoặc màu vàng. Khi bệnh nặng từng đám vết bệnh kế tiếp nhau làm cây mạ có thể héo khô hoặc chết.
Vết bệnh trên lá lúa: Thông thường vết bệnh có những chấm nhỏ màu xanh lục mờ vết dầu sau đó chuyển thành màu xám . Trên các giống lúa chống chịu, vết bệnh là các vết chấm nhỏ hình dạng không đặc trưng. Ở các giống có phản ứng trung gian, vết bệnh hình tròn hoặc hình bầu dục nhỏ. Thêm vào đó, xung quanh vết bệnh có viền màu nâu.

Bệnh đạo ôn xuất hiện ở cổ bông, cỏ gié và trên lá lúa: Vết bệnh trên cổ bông xuất hiện sớm thì bông lúa bị lép, bạc lạc. Nếu xuất hiện muộn khi hạt đã chắc thì gây hiện tường gẫy cổ bông. Vết bệnh ở hạt không định hình, có màu nâu xám hoặc nâu đen. Hạt giống bị bệnh là nguồn truyền bệnh từ vụ ngày qua vụ khác.
Đặc điểm sinh trưởng và phát triển bệnh đạo ôn
Bệnh thường phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết âm u, giờ nắng trong ngày ít. Hoặc khí hậu có mưa phùn kéo dài, ẩm độ không khí cao, sương mù nhiều. Theo quy luật về thời tiết, bệnh thường phát sinh phát triển mạnh vào vụ đông xuân giai đoạn lúa con gái – đứng cái – làm đòng.

Các yếu tố như giống nhiễm, bón phân đạm nhiều, sạ dày, lá lúa nằm ngang, phiến lá rộng, ruộng thiếu nước, cỏ dại nhiều là điều kiện thuận lợi để nấm phát sinh, phát triển và gây bệnh nặng.
Biện pháp phòng trừ
Để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất lúa, bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên. Kịp thời phát hiện bệnh sớm, phòng trừ bệnh bằng các loại thuốc đặc trị. Dọn sạch tàn dư rơm dạ và cây cỏ dại mang bệnh ở trên đồng ruộng.
Tăng cường sử dụng giống lúa chống chịu bệnh. Kểm tra hạt giống, nếu nhiễm bệnh ở hạt giống cần xử lý bằng nước ấm 54 độ C trong 10 phút. Hoặc xử lý bằng thuốc trừ đạo ôn. Khi phát hiện ổ bệnh trên đồng ruộng cần tiến hành phun thuốc sớm và kịp thời để ngăn chặn bệnh lây lan.
Nguồn: huucomientrung.com.vn
Hãy ghé JIA xem thêm các biện pháp phòng bệnh cây trồng nhé!